KỶ NIỆM VỀ ANH TÔI

Cập nhật: 04/06/2020

Lượt xem: 1996

(Hồi ký của Ngô Đình Châu) 


Với những vị cao niên trên 50 tuổi chắc không xa lạ gì với cái tên Mạnh Quỳnh trên các nhật báo, tuần báo vào thập niên 40 như tuần báo Trung Bắc Tân Văn, Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Écho, (Tiếng Vang) của ông Candelon và các nhật báo Tin Mới, Đông Pháp, Tia Sáng, Liên Hiệp, Giang Sơn v.v. xuất bản tại thủ đô Hà Nội. Và các sách báo do nhà xuất bản Đắc Lộ Thư Xã (Alexandre de Rhodes) như Kim Vân Kiều, Chinh Phụ Ngâm, Thơ Ngụ Ngôn La Fontaine, Lên Tám, Le Paysan Tonkinois, Qui Li Ve Du Ký, Làng Cũ Làng Mới Việt Nam, Những Bức Họa Đồng Quê, Truyện Trẻ Con, Hát Mà Chơi và nhất là Tạp Chí Indochine v. v. đều do họa sĩ Mạnh Quỳnh vẽ và phần khắc gỗ thì do anh Lều Thọ Dung, người Thổ Cao Bằng, anh khắc rất giỏi, nổi tiếng (trong thời gian từ 1942 đến 1945, Đồng Minh oanh tạc dữ dội, vật liệu làm bản kẽm không có, nên phải dùng bản khắc gỗ.)

Cũng vào năm 1944–45, tại phòng Thông Tin tại đường Tràng Tiền (rạp Chiếu Bóng Eden) có một phòng dành riêng cho họa sĩ Mạnh Quỳnh để trình bày những sinh hoạt trong tuần, được gọi là Tuần lễ Đông Dương (Semaine de l’Indochine). Phòng này chuyên trình bày về mọi sinh hoạt vui buồn của thành phố Hà Nội, những chuyện xảy ra trong cõi Đông Dương, và đả phá những hủ tục của người Việt trong thời phong kiến. Anh còn vẽ và được nhà Xuất bản Alexandre de Rhodes ấn hành tập truyện "Làng Việt Nam, Cũ Và Mới," nội dung là muốn cải cách và bỏ những hủ tục của cưới gả, khao vọng, ăn uống hội họp của những vị chức sắc trong làng. Anh muốn tổ chức một làng Việt Nam Mới có trường học, phòng đọc sách, phòng thông tin, ban an ninh để bảo vệ làng xóm, vườn trẻ, nhà trẻ, sân vận động, phong trào thể dục thể thao v.v... những tranh này đã được trưng bày tại các làng mạc thuộc tỉnh Hà Đông vào những năm 1944 và đầu năm 45 rất được nhiều người tán thưởng, đồng thời tổ chức cải cách điển hình ở làng Mộ Lao (làng của Bùi Hưng Gia, Bùi Đình Thản, Bùi Đình Miên, tiệm vàng Au Lion D’Argent ở phố Hàng Trống Hà Nội). Anh cũng vẽ chung quanh tường đình làng Mộ Lao những chuyện Ngụ Ngôn, hình ảnh phong trào Thể dục Thể thao và cải cách xóm làng, kỳ này có Đại tá Ducoroy, Giám đốc Thể dục Thể thao thuộc Phủ Toàn Quyền về thăm và gắn huy chương cho anh. Ngược lại những năm 1934–35, họa sĩ Mạnh Quỳnh cộng tác với báo Cậu Ấm Cô Chiêu đã cho ra những loạt tranh Vá Vếu, Vìm, Vọm, Vẹm những tranh Kaoco rất được tuổi trẻ thời đó ưa thích.Tiếp theo anh còn vẽ cho các sách truyện như: Sách Hồng, Lửa Hồng và Truyền Bá Quốc Ngữ do anh Nguyễn Giang con ông Nguyễn Văn Vĩnh là một thành viên sáng lập phong trào.

Họa sĩ Mạnh Quỳnh sinh ngày 21 tháng 12 năm 1917 tại Hà Nội trong một gia đình trung lưu, thân phụ là công chức Sở Hỏa Xa Vân Nam, là người thứ hai trong gia đình gồm trên 10 anh chị em, trên Hoạ sĩ Mạnh Quỳnh còn người chị lớn mất năm 10 tuổi, dưới còn 13 anh chị em, nhưng cũng mất hết chỉ còn lại một người em gái và ba người em trai. Lúc nhỏ, học tại trường hàng Kèn, tôi chỉ còn nhớ anh thường nhắc tới thày giáo Phao và lên Trung học thì học tại trường Bưởi và sau khi đậu bằng thành chung thì thân phụ bắt anh học tiếp để thi vào trường Hậu Bổ để theo nghiệp chú tôi ra làm tri huyện, nhưng anh tôi không chịu và nhất định đòi thi vào trường Mỹ Thuật Đông Dương. Vì lúc còn học Tiểu học, anh đã vẽ tranh khôi hài gửi đăng báo, tờ Cậu Ấm Cô Chiêu, trước còn đăng miễn phí, sau ông Chủ nhiệm, lâu ngày tôi không nhớ tên, hình như tên là Thái Thủy, đến gặp anh và đề nghị vẽ tiếp tục sẽ thanh toán nhuận bút, nên anh tiếp tục vẽ truyện Vá, Vếu, Vìm, Vọm, Vẹm cùng truyện Kaoco. Thấy anh tôi ham thích vẽ, nên ông chú tôi khuyên thân phụ tôi nên chiều ý và xin cho thi vào trường Mỹ Thuật Đông Dương. Tôi còn nhớ là anh học chung năm với chị Nguyễn Thị Kim điêu khắc gia, hoạ sĩ Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân, và Nguyễn Gia Trí v.v...

Anh tôi có một đời sống rất kỷ luật, ham thích thể thao, hàng ngày đều tập, mặc dù trời mùa đông ở miền Bắc rất lạnh, nhưng tập xong bao giờ anh cũng đi tắm và bao giờ cũng tắm nước lạnh. Anh lại không biết uống rượu, rất ghét cờ bạc, cũng không hút thuốc, cứ mỗi mùa hè anh lại lên Phú Thọ tập luyện võ với ông tri phủ Cung Đình Vận. Bản tính anh rất đôn hậu, trầm lặng ít nói và đã hứa với ai điều gì thì luôn giữ đúng lời hứa, luôn luôn đúng giờ giấc cho mọi công việc. Anh rất thích săn bắn, tôi còn nhớ hồi 1942 anh được phép mua súng săn, mà hồi đó Hà Nội chỉ được cấp 12 giấy phép súng thôi, song anh cũng được phép mua một cây, tôi còn nhớ hiệu súng Simplex, hai nòng do nhà sản xuất St Étienne của Pháp chế tạo, và anh còn mua một con ngựa để ngày nghỉ cưỡi đi về vùng quê săn bắn chim cò. Nhưng mẹ tôi thì khuyên anh không nên sát sinh, con vật nó cũng có mạng sống của nó, còn cha tôi thì khuyên anh không nên nuôi ngựa, vì ngày xưa các cụ vẫn thường nói “Nhất mã nhị nô," nuôi một con ngựa là phải nuôi hai người chăm lo cho nó, nào là cắt cỏ, tắm rửa hơn nữa lại phải thuê chuồng cho ngựa nên rất tốn kém, nên anh tôi cũng vâng lời cha mẹ tôi, anh bán khẩu súng săn, mua khẩu súng lục Rouleau hiệu St Étienne, và bán con ngựa. Anh mua chiếc xe đạp Course hiệu Métalopplan của Pháp, vành gỗ, vỏ ruột loại Boyeaux, cũng do nhà sản xuất St Étienne làm. Anh lại cũng thích nuôi loài vật, hồi năm 40 anh có nhờ người đi Phong Sa Ly ở Lào mua cho một con chó bông xù rất đẹp, nuôi được mấy tháng thì bị mất cắp, về sau anh lại mua một con chó săn loại "Chien de Chasse," tai xụ, bụng thon mình dài chân cao, đặt tên là Bobby và một con Berger. Anh rất thích nuôi mèo, tôi còn nhớ hồi ở Route Mandarin, đường xuống nhà thương Cống Vọng (Hospital René Robin) buổi chiều đang ngồi trước cửa chơi có một người đàn ông mang con mèo tam thể to và rất đẹp đến gạ bán, anh tôi hỏi giá và mua, anh luôn để nằm bên cạnh chỗ anh ngồi, cũng được hơn tuần lễ, thì cũng lại vào một buổi chiều tôi thấy anh chàng bán mèo đi qua, mải chơi tôi không để ý, thì anh tôi hỏi có thấy con mèo đâu không? Tôi trả lời không thấy và tôi nói chỉ thấy người bán con mèo vừa đi qua thôi, thế là cha tôi mới nói, chắc thằng cha bán mèo đến kêu nó đi rồi, tụi nó hẳn là nuôi mèo được dạy kỹ càng nghe theo lời chủ của nó, chắc lúc nó đi qua, nó ra hiệu hoặc kêu thì con mèo chạy theo nó rồi. Lại một lần nữa, anh làm chúng tôi cười muốn bể bụng, lúc ở Mộ Lao, anh ra chợ Hà Đông, thấy con mèo đen tuyền gọi là mèo mun, chẳng hiểu anh nghe tụi bán nó tán tỉnh sao, anh mang về, nói với tụi tôi rằng con mèo này là Miêu Vương, chuột thấy thì chạy hết. Nhưng ngôi nhà mà gia đình tôi ở thì chuột ôi là chuột, đêm đến là nó rúc inh ỏi, mà con mèo chẳng thấy bắt được chú chuột nào. Cho đến một hôm, vào buổi sáng tụi tôi thức dậy thấy "miêu vương" nằm quay lơ không cục cựa gì cả, xách lên thì thấy hậu môn con miêu vương bị cắn một lỗ toang hoác, thì ra là miêu vương nhà ta bị chú chuột cống lớn cắn mất hậu môn.

Tôi còn nhớ lúc còn nhỏ, anh vẽ thì tôi mài mực tàu cho anh, anh chuyên vẽ bằng bút lông mèo, mỗi khi thân phụ tôi qua Vân Nam thường mua về cho anh rất nhiều bút và thỏi mực tàu. Anh tôi đi mua những sách học vẽ cho trẻ em, bắt tôi và chú em tôi học vẽ, muốn tôi theo nghiệp của anh, nhưng tôi thì lại không thích vẽ, nên bị đánh đòn nhiều, trái lại chú em tôi lại thích vẽ, không ngờ sau này theo nghiệp anh tôi lại thành tài: họa sĩ Ngô Đình Chương. Sau này Chương làm theo ý nguyện của anh tôi, cộng tác với xưởng phim Hoạt họa Hà Nội và làm được mấy cuốn phim như Thạch Sanh và những phim truyện ngắn mà tôi lâu ngày không nhớ hết tên. Còn tôi thì chỉ thích cuộc đời phiêu bạt, giang hồ, nên khi tản cư vào Hà Đông anh tôi đã nói với thày Cao Đắc Tiếu, Hiệu Trưởng trường Con Trai Hà Đông cho tôi và em tôi gia nhập Hướng Đạo, thày Tiếu là Huynh trưởng Hướng Đạo, đạo Đống Đa, nên cho tôi nhập vào Hướng Đạo để rèn luyện tôi. Về sau khi tôi vào quân đội, năm 1951 tôi thấy anh thích súng, tôi xin giấy phép cho anh, dẫn anh ra Chaffanjon ở đường Tràng Tiền mua tặng anh một khẩu súng lục hiệu Le Francais cỡ 6,35 anh rất thích.Học tại trường Mỹ Thuật Đông Dương năm đầu anh phải học về cơ thể học, năm thứ hai trở đi thì học vẽ các cảnh vật và người, các năm sau thì học về sơn mài do thày Nam Sơn hướng dẫn và sau sáu năm học tại trường Mỹ Thuật Đông Dương thì thi ra trường và mỗi người phải làm một tác phẩm để dự thi chấm điểm.Lúc anh ra trường, tác phẩm của anh là một tấm sơn mài vẽ cảnh Chùa Thày, làm dưới hình thức bình phong (Paravent), được chấm đậu. Hiện nay tấm bình phong này được một gia đình ở Hà Nội mua giữ làm kỷ niệm. Thực ra tấm bình phong Chùa Thầy này của gia đình tôi không bán, nhưng khi bắt đầu cuộc kháng chiến chống Pháp đem cất giấu dưới một ao ở Kim Liên (ngoại thành Hà Nội ) chẳng may có người mò vớt lên được và đem bán cho gia đình Bùi Hưng Gia tiệm vàng Au Lion d’Argent và hiện nay họ còn giữ, và tôi được biết cách đây mấy năm họ có mang triển lãm, họa sĩ Đinh Cường có biết.Sau khi ra trường Mỹ Thuật Đông Dương, anh tôi làm mấy năm sơn mài rồi thôi, vì làm sơn mài rất tốn thì giờ và công phu. Sơn phải mua từ Châu Yên Lập tỉnh Phú Thọ về, rồi pha chế thành đủ thứ sơn, nào là để nguyên là sơn sống, đánh ra thì thành sơn then và pha son, hồng hoàng vào thì là sơn son, mà son và hồng hoàng thì phải mua từ bên Tàu. Rồi nào là vàng bạc lá, nào là mạt cưa, nào là đất sét trắng, nào là vải mùng, nào là ván ép (contre plaqué), muốn làm một tác phẩm sơn mài phải qua rất nhiều công đoạn, khi hoàn thành thì có tới cả năm mới xong, chứ không phải sơn mài như hiện nay mà ta thấy. Với sơn mài thứ thiệt, ta có thể ngâm dưới nước cả năm, mười năm mà không hề bị vênh váo hay là tróc sơn. Thành thử sau mấy năm anh bỏ nghề sơn mài và chuyên vẽ tranh cùng sách báo mà thôi. Cũng trong thời gian này anh mở xưởng làm đồ chơi trẻ em, vật dụng làm toàn bằng tre, nứa và gỗ. Anh chú trọng làm những đồ chơi có tính chất giáo dục con em về thể thao, mở rộng kiến thức, thí dụ đồ chơi đá bóng thì anh lại có hai câu: Sức khoẻ là vàng, Những người ốm yếu có làm nên chi, hoặc đồ chơi chiếc ống nhòm thì anh lại đề câu: Nhìn xa biết rộng v.v... Các đồ chơi này rất được đồng bào ưa thích bán khắp cả ba miền Nam Trung Bắc.Vốn bản tính yêu thích trẻ em và thích hoạt động xã hội, chú trọng về thanh thiếu niên, nên năm 1943 anh đã đứng ra tổ chức buổi đưa các thanh Thiếu niên đi thăm viếng các cơ sở tiểu công nghệ của ta tại làng Triều Khúc, Hà Đông do ông Hoàng Trọng Phu thành lập, được sự bảo trợ của báo Trung Bắc Tân Văn của cụ Nguyễn Văn Luận (thân phụ giáo sư Nguyễn Khắc Kham) và anh Nguyễn Doãn Vượng (hiện nay anh Nguyễn Doãn Vượng ở Canada) là Trị sự báo Trung Bắc Tân Văn yểm trợ cùng sự hỗ trợ của Tổng Đốc Hà Đông là ông Hồ Đắc Điềm.Trong năm 1943, trong dịp đi Huế do ông Phạm Quỳnh mời vô, anh đã được triều kiến Vua Bảo Đại, sau đó về nhà được ít lâu thì anh tôi nhận được Sắc ban Hàn Lâm Đãi Chiếu do Thượng Thư Phạm Quỳnh ban và một huy chương Nam Long Bội Tinh do Đức Vua Bảo Đại ân thưởng. Nói về huy chương thì anh có rất nhiều, huy chương Thể dục Thể thao do Ducoroy tặng và các huy chương triển lãm tranh, sơn mài của mỗi kỳ hội chợ. Trong thời gian này, anh tôi chuyên vẽ cho các nhà xuất bản và các báo chí, như nhà xuất bản Đời Nay ở phố hàng Cót, Hà Nội và nhà Xuất bản Đắc Lộ Thư Xã trực thuộc Phủ Toàn Quyền. Đến khi phi cơ đồng minh oanh tạc dữ dội, gia đình tôi tản cư về Hà Đông, anh tôi vẫn tiếp tục vẽ và mở xưởng in tay để in bích chương cho Phủ Toàn quyền, vì khi đó nhà in Ideo không còn máy móc để in bích chương khổ lớn 0m80 x 1m20, nên anh tôi phải cho khắc gỗ và in tay năm màu.Khi tản cư về Hà Đông gia đình tôi thuê một căn nhà trong làng Mộ Lao, nên sự giao thiệp hơi khó khăn, như trường hợp nữ văn sĩ Hilda Arnold đến tìm để nhờ vẽ tranh cho một cuốn sách, tìm hỏi mãi mới thấy nhà. Tổng Đốc Hồ Đắc Điềm thấy vậy bèn lấy một căn phòng trong viện Bảo tàng Hà Đông do ông Hoàng Trọng Phu lập, dành cho anh tôi một phòng để làm việc. Cho đến ngày hai trái bom nguyên tử dội xuống Hiroshima và Nagasaki, Nhật đầu hàng, Thế chiến 2 chấm dứt, gia đình tôi trở về Hà Nội, anh tôi vẫn tiếp tục công việc như cũ, phẳng lặng êm xuôi cho tới ngày toàn quốc kháng chiến.Trước khi súng nổ vào ngày 19-12–1946 là ngày chính thức Việt Nam tuyên bố toàn quốc kháng chiến thì gia đình tôi đã tản cư về làng Trung Bộ, cách Hà Nội 29 cây số và đến khi Hội Văn Hóa Kháng Chiến thành lập thì ủy cho anh Thành Thế Vỹ về gặp anh tôi mời gia nhập và di chuyển lên Phú Thọ với Hội do Họa sĩ Tô Ngọc Vân phụ trách, sau đó dời lên Vĩnh Chân thuộc huyện Ấm Thượng, tại đây có đông đủ văn nghệ sĩ, họa sĩ gồm có Tô Ngọc Vân, Nguyễn Khang, Mạnh Quỳnh; kiến trúc sư gồm có Võ Đức Diên, Tạ Mỹ Duật; văn thi sĩ gồm có Phan Khôi, Đồ Phồn, Tô Hoài, Thanh Tịnh, Hoài Thanh, Thế Lữ, Tố Hữu; nhạc sĩ gồm có Phạm Văn Cẩn, Bùi Công Kỳ, Nguyễn Xuân Khoát, Văn Cao, Phạm Duy, Nguyễn Đình Thi (tác giả bản Diệt Phát Xít) v.v. Ở Vĩnh Chân một thời gian, đoàn Văn Hoá Kháng Chiến lại dời lên ATK (An Toàn Khu) theo ý của Tô Ngọc Vân, anh tôi không đi và ở lại Vĩnh Chân, Tô Ngọc Vân thấy vậy rất tức tối, nhưng anh tôi phớt lờ như không. Lúc đó Sở Bình Dân Học Vụ Liên Khu 10 do ông Vương Kim Toàn làm giám đốc bèn tìm đến gặp anh tôi bàn về vẽ và in sách cho Sở Bình Dân Học Vụ Liên Khu và cho cả toàn quốc theo ý ông Nguyễn Công Mỹ là Giám Đốc Bình Dân Học Vụ toàn quốc. Sách được Sở BDHV đặt in đầu tiên là cuốn Vần Quốc Ngữ tiếp theo là Lịch Sử Việt Nam và Địa Lý Việt Nam. Sách do anh tôi vẽ và khắc cùng chịu trách nhiệm in, lúc kháng chiến thì đâu có máy in, anh tôi phải tổ chức in tay, in mỗi thứ cả hai ba chục ngàn cuốn. Tổ chức in tay, khắc gỗ những tài liệu đó phải mất nhiều công phu, như là phải tìm mua gỗ, mà gỗ dùng để khắc chỉ có hai loại dùng được là gỗ Thừng Mực hay gọi là Lòng Mức, loại tốt thì phải dùng gỗ của cây thị ăn trái, vì các loại gỗ này nó dẻo, dai mới khắc được và giữ được nét khắc. Xong phải đi tìm mua mực in, loại mực dùng cho máy in là loại mực Lorieux của Pháp mới in được, vì in trên giấy gió, nếu mực xấu nó lem và hằn sang mặt sau. Các cơ quan của Liên Khu 10 tìm đến anh tôi như bộ Tài Chính nhờ anh vẽ giấy bạc và khắc để in, máy móc của nhà in Taupin của Pháp hồi đó bị tịch thu và giao cho Bộ Tài Chính sử dụng và cử thân phụ anh Lưu Quang Thuận làm giám đốc và anh Thuận làm quản lý, phòng Quân Dược Liên Khu 10 đặt in hộp đựng thuốc, Phòng Chính Trị Liên Khu, Ban Địch Vận đặt in các truyền đơn, Phòng Dân Quân đặt in bích chương và phòng Quân vụ đặt in Phiếu Quân Vụ, và làm tờ báo Lúa Vàng do anh Dương Quốc Chính chủ trương với sự cộng tác của anh Lưu Đức Sinh (Mặc Thu) làm Tổng Thư ký. Rồi các Bộ Canh Nông đặt in truyền đơn khuyến khích chăn nuôi và phòng ngừa bệnh toi gà; Bộ Quốc Phòng, Cục Quân Y phái anh Lê Đức Nguyệt tìm đến anh tôi để làm những dụng cụ như Bock, hộp Seringue, khay dựng dụng cụ y tế bằng sơn mài. Sau đó, Sở Bình Dân Học Vụ lại đề nghị với anh tôi thành lập đoàn Múa Rối để đi tuyên truyền khắp các tỉnh nhất là các tỉnh thuộc vùng Thượng Du Bắc Việt. Rồi đến khoảng giữa năm 1950, anh tôi rời bỏ Khu Việt Bắc để trở về thành. Khi trở về thành, anh tôi lại được các bạn bè cũ, các báo chí và các nhà xuất bản tìm đến để nhờ vẽ. Anh tôi tiếp tục vẽ tranh khôi hài cho nhật báo Tia Sáng do anh Ngô Vân, Chủ nhiệm và anh Phạm Trung Phổ là trị sự. Và cộng tác với các báo Liên Hiệp do ông tây lai tên hình như là Soubrier làm chủ, báo Giang Sơn của ông Hoàng Cơ Bình. Cùng các nhà xuất bản sách giáo khoa như nhà xuất bản Nguyễn Du ở phố hàng Điếu chuyên về sách giáo khoa và nhà xuất bản Nam Sơn ở đường hàng Giấy v.v...Đồng thời anh tôi cũng lo xuất bản tranh truyện Thiếu Nhi như các loại Học mà chơi, Chơi mà Học v.v... thành lập Đoàn Múa Rối và trình diễn tại Nhà Hát Lớn vào khoảng năm 1951. Và mở lớp dạy vẽ tại Hoà Mã, anh mua một chiếc môtô hiệu Terrot để di chuyển tiện việc hướng dẫn học trò đi các vùng ngoại ô để vẽ, đến nay có một số học trò của anh như: Tiến sĩ Phạm Văn Hải, bỉnh bút gia Bùi Bảo Trúc, nhà văn Nguyễn Hữu Hiệu, ca sĩ Thuý Nga vợ của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ và bác sĩ Phùng Thụy Hà hiện nay ngụ tại Cali, anh Phạm Ngọc Khiêm ngụ tại Georgia v.v...

Anh luôn luôn có ý nghĩ muốn thiết lập một xưởng phim hoạt họa, nhưng vì mới hồi cư về không có tiền bạc, anh ngỏ ý này ra thì được người em họ là Phạm Như Bích bèn nói chuyện và giới thiệu với hai người bạn là Nhạc Sĩ Đoàn Chuẩn, con chủ hãng nước mắm Vạn Vân nổi tiếng ở Hải Phòng và anh Trần Văn Lịch để tổ chức lập xưởng phim Hoạt Họa. Công việc bắt đầu tiến hành thì một người trong đó là anh Lịch bị động viên nên công việc lại bất thành. Nghĩ lại tôi thấy anh có nhiều sáng kiến rất hay, nhưng không gặp thời, giá như gặp thời bây giờ và anh ở Hoa Kỳ này thì anh phát triển và thi thố tài năng của anh được, và biết đâu anh cũng sẽ nổi tiếng được gần như Walt Disney!

Khi hay tin tôi gia nhập quân đội, thân mẫu tôi cũng lo lắng, anh tôi cũng vậy, nhưng tôi đã nhập ngũ rồi thì gia đình cũng chịu, thực ra lúc ấy anh tôi cũng bực vì tính ngỗ ngược của tôi nên mặc không lo gì cả, mẹ tôi nói thì anh trả lời "Nó muốn như vậy thì kệ nó, Mẹ lo làm chi cái thằng ngỗ ngược ấy," tôi nhớ mãi câu nói này khi về mẹ tôi thuật lại cho nghe, chứ thực ra lúc ấy anh muốn tôi về thì anh nói với ông Nguyễn Hữu Trí, Thủ Hiến Bắc Việt là bạn đồng liêu với chú Phủ tôi một câu thì được về hoặc nói với Đại tá Thụ, Giám Đốc Nha Bảo Chính Đoàn thì cũng xong.

Từ năm 1975 chính quyền Hà Nội lại mời anh đi dạy vẽ lại và các cơ quan như Tổng Cục Du Lịch cũng mời cộng tác, Bộ Quốc Phòng mời huấn luyện cho các Giáo viên Nhà Trẻ của Bộ làm thủ công đồ chơi cho trẻ em. Đến năm 1990 thì anh tôi vô Miền Nam thăm tôi, sau bao nhiêu năm anh em mới gặp nhau, nhìn nhau nước mắt lưng tròng và anh ở chơi với tôi có ba ngày xong trở lại Hà Nội. Không ngờ chuyến gặp mặt đó là lần chót, ngày 2 tháng Tư – 1991 anh đột ngột từ trần. Chị dâu và các em tôi thuật lại rằng: Sáng ngày 2 thì hai chú em tôi là Ngô Đình Chương và Ngô Đình Tấn, đến mời anh đi ăn sáng, hỏi chị tôi thì chị nói anh thức khuya vẽ một bức tranh lụa lớn do Toà Đại Sứ Pháp đặt vẽ và cần gấp nên mới ngủ trễ, các chú lên đánh thức anh dậy đi. Khi hai em tôi vào thấy anh còn nằm, tưởng anh còn ngủ vén mùng lay đánh thức thì thấy chân lạnh ngắt, lúc đó mới tá hỏa la lên thì chị dâu tôi và mấy cháu chạy lại thì anh đã mất từ lúc nào mà cả nhà không ai hay. Đứa con út của anh tôi thuật lại rằng:

Lúc 12 giờ khuya, cháu nó còn pha ly sữa cho anh uống cùng ăn mấy miếng bánh, rồi cháu đi ngủ trước, anh còn vẽ không hiểu anh ngủ lúc mấy giờ. Theo ước đoán thì anh tôi mất vào khoảng từ 1 giờ đến 3 giờ sáng ngày 2 tháng 4 – 1991 tức ngày 18 tháng 2 âm lịch, hưởng thọ 74 tuổi.

Anh tôi được tất cả chín người con, gồm sáu trai và ba gái. Sau khi anh tôi mất, Toà Đại Sứ Pháp cho người mang tiền thanh toán và họ vẫn nhận bức tranh vẽ dở dang đó. Ngày đưa đám Tòa Đại Sứ Pháp cũng cử người mang hoa đến phúng điếu. Đám tang anh tôi được đông đảo bạn bè và người quen biết đến tiễn đưa. Khi được tin anh tôi mất, tôi muốn ra Hà Nội để tiễn đưa thì tôi lại lên cơn đau tim nằm bệnh viện nên không đi được.

Đến nay, anh tôi đã mất được 11 năm, ngồi nhớ lại bao kỷ niệm xưa lúc anh còn sống, và nhìn lại những nét vẽ của anh, gợi lại biết bao vui buồn, nên tôi viết ít để dòng tưởng niệm về anh, người anh kính mến mà tôi đã học được ở anh những đức tính cần cho một con người.

 Ngày 27 tháng 1 năm 2002.

Các bài viết khác