MẠNH QUỲNH VỚI BỨC TRANH ĐÀO NGUYÊN LẠC LỐI

Cập nhật: 08/06/2020

Lượt xem: 1711

Mạnh Quỳnh với bức tranh đào nguyên lạc lối...


Người ta thường biết đến Mạnh Quỳnh qua những truyện tranh của ông in trong báo Cậu Ấm Cô Chiêu của Thái Phỉ Nguyễn Đức Phong, với hai nhân vật chính là Vá và Vếu. Tờ báo này là tờ báo nhi đồng đầu tiên trong lịch sử báo chí Việt Nam, ra đời từ năm 1935. Báo in theo khổ 19 x 29cm dày 20 trang. 

Ông còn được biết đến với những bức tranh minh họa bộ truyện Ngụ ngôn của La Fontaine, do Nguyễn Văn Vĩnh dịch(1). Bản in đẹp nhất đã được Nhà xuất bản Alexandre De Rhodes ấn hành năm 1943 ở Hà Nội. Các bức tranh của ông đậm đặc cảnh vật và con người Việt Nam, như bài mở đầu Con ve và con kiến.

 Con ve và con kiến

Cũng trong bộ sách của Nhà xuất bản Alexandre De Rhodes, Mạnh Quỳnh còn minh họa các tác phẩm cổ văn như Chinh phụ ngâm, Bần nữ thán, Lục súc tranh công, Trê cóc…; trong đó, đáng kể là quyển Truyện Kiều(2) của Nguyễn Du cũng do Nguyễn Văn Vĩnh dịch ra Pháp văn.
Các bức tranh ấy chỉ là những bức họa nét đơn giản, không như bức tranh minh họa câu thơ của Nguyễn Du “Đào nguyên lạc lối đâu mà đến đây” trong Truyện Kiều.
Bức tranh này ít người biết đến, vì nó không được đăng trên các báo Xuân của Việt Nam, mà lại được đăng trên tờ tạp chí Indochine của Pháp xuất bản ở Hà Nội vào dịp đầu xuân năm Quí Dậu, 1933.


Trong bức tranh, Mạnh Quỳnh đã vẽ người phụ nữ Việt Nam vào những năm 1930 với chiếc áo tân thời(2), cổ quấn khăn “san” (châle) mà hồi đó người ta gọi là áo Cát Tường (gọi theo tên của họa sĩ thiết kế; lại chơi chữ Le Mur là bức tường tiếng Pháp gọi là áo Le Mur), một kiểu áo đã thực hiện một cải cách quan trọng từ chiếc áo tứ thân, để biến nó chỉ còn lại nhị thân, tức vạt trước và vạt sau mà thôi. Hai vạt được kéo dài xuống quá đầu gối để tăng thêm vẻ tha thướt cho người phụ nữ trong bước đi. Thân trên của chiếc áo cũng được may ôm sát theo những đường cong cơ thể của người mặc, để tạo nên vẻ yêu kiều và thêm phần gợi cảm. Áo dài Le Mur muốn mặc cho đúng mốt phải đi với quần xa-tanh trắng mới thích hợp, vì xưa kia người phụ nữ thường mặc quần đen. Lối ăn mặc tân thời này hồi đó đã bị một số người thủ cựu phê bình là không đứng đắn.

 

 Đào nguyên lạc lối đâu mà đến đây


Về sau, họa sĩ Lê Phổ có biến tấu một chút, và chiếc áo dài như họa sĩ Mạnh Quỳnh vẽ đã tìm được hình dáng chuẩn mực của nó, cũng không khác gì mấy với trang phục thời nay. Hồi đó, các phụ nữ còn để tóc vấn trần, chưa có uốn quăn như ngày nay. Chiếc áo màu trắng cũng tượng trưng cho vẻ đẹp thanh cao của người phụ nữ, như Huy Cận đã tả:

Áo trắng đơn sơ mộng trắng trong,
Hôm xưa em đến mắt như lòng.
Nở bừng ánh sáng - Em đi đến,
Gót ngọc dồn hương bước tỏa hồng. .


Mạnh Quỳnh đã vẽ người phụ nữ mặc áo dài trắng như vậy, mà còn vẽ cả em bé đi theo cũng mặc chiếc áo dài Việt Nam, không mặc váy đầm như các em nhỏ ngày nay vẫn thường mặc. Có thể nói, cái cảnh người phụ nữ xinh đẹp xuất hiện trước người bán cành đào thì cũng gợi cho ta nghĩ đến tiên nữ từ chốn đào nguyên lạc lối đâu mà đến đây. Ông đã minh họa bằng câu Kiều ấy của Nguyễn Du, thật thích hợp với cảnh du ngoạn ngày xuân và đã viết bằng chữ Nôm cũng thật bay bướm:
--- --- --- --- --- --- --- ---


Chúng tôi may mắn còn giữ được bức tranh ấy, nên vào dịp xuân này, sau vừa đúng 70 năm, xin giới thiệu để các độc giả cùng thưởng lãm.


(1) Theo Nguyễn Văn Vĩnh thì những bài thơ Ngụ ngôn của La Fontaine đã được ông dịch từ khi còn ít tuổi, chưa làm thơ bao giờ, nhưng nhờ cảm hứng đã chấp chỉnh nên vần. Ông cũng cho biết thêm là việc dịch của ông chỉ cốt lấy đúng về tinh thần chứ không câu nệ từng chữ,vì có khi chữ “hổ” đổi làm “sư tử”, “cái gậy” đổi ra “con chó”.
Những chỗ dịch sai như vậy trong bản in năm 1943 vẫn để nguyên như vậy không có sửa chữa.


(2) Áo dài của đàn ông thì vẫn giữ nguyên, không có sự thay đổi, nhưng chiếc áo tứ thân của phụ nữ thì đã được cải cách, do Le Mur đưa ra và đã trở thành thời trang mới của phụ nữ.

 

Nguyễn Quảng Tuân