CON RỂ CỦA HỌA SỸ NGÔ MẠNH QUỲNH: GIÁO SƯ HÀ VĂN TẤN

Cập nhật: 10/06/2020

Lượt xem: 1743

GS Hà Văn Tấn, nhà học giả “kiến văn thâm hậu”

- Là tác giả của khoảng 250 công trình nghiên cứu về sử học và khảo cổ học, ông đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt hai năm 2000.


Nổi tiếng từ tuổi hai mươi

Quê ở Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh (cùng làng với đại thi hào Nguyễn Du), năm 1957, 20 tuổi, tốt nghiệp cử nhân sử học, Hà Văn Tấn trở thành một trong mấy cán bộ giảng dạy trẻ nhất ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Hẳn là giáo sư Đào Duy Anh phải là người có “biệt nhãn” khi giao cho Hà Văn Tấn cái công việc nhọc nhằn, khó khăn là hiệu đính và chú thích bản dịch cuốn Dư địa chí, một tác phẩm của Nguyễn Trãi viết bằng chữ Hán vào thế kỷ 15, được cụ cử nhân Nho học Phan Huy Tiếp dịch ra chữ Quốc ngữ.

Gọi là “chú thích” nhưng dài tới 115 trang, gấp 4 lần chính văn (38 trang). Bởi vì, với “chú thích” ấy, phải định vị được các tên đất có trong sách qua các thời kỳ lịch sử xa xăm cho đến tận ngày nay. Và, như vậy, phải đọc hầu hết các sách ghi chép về địa lý Việt Nam qua các đời do người Việt Nam cũng như người Trung Quốc viết.

Gần đây, nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc thử lập một bản “thống kê sơ bộ” thì thấy: Để tìm tài liệu cho phần “chú thích” ấy, Hà Văn Tấn đã phải đọc 30 bộ sách Trung Quốc, 16 bộ sách Việt Nam, tất cả đều trong nguyên văn chữ Hán, như: Thuỷ kinh chú, Tiền Hán thư, Hậu Hán thư, Thục chí, Nam Thục chí... của các tác giả Trung Quốc; rồi Toàn thư, Cương mục, An Nam chí lược… của các tác giả Việt Nam.

Trong bài Ông Hà Văn Tấn như tôi biết, ông Nguyễn Vinh Phúc viết: “Như vậy cái vốn Hán học của tác giả dày dặn biết chừng nào! Quả như nhà thơ cổ điển Pháp Pierre Corneille đã nói: Giá trị không đợi tuổi tác!”

Cũng ở phần “chú thích” nói trên, Hà Văn Tấn còn chỉ ra một số chỗ sai trong văn bản Dư địa chí hiện có, do người đời sau thêm thắt vào.

GS Phan Huy Lê cho biết: Dạo ấy, trong một buổi họp Bộ môn Lịch sử cổ - trung đại Việt Nam, GS Đào Duy Anh đã nhận xét về công trình đầu tay của Hà Văn Tấn (hiệu đính và chú thích Dư địa chí) là: “Rất công phu, nghiêm túc. Tôi rất hài lòng và tin cậy tác giả.”

Được các học giả Hoài Thanh và Hoàng Xuân Hãn ngợi khen

Một công trình khác của Hà Văn Tấn gây xôn xao dư luận là cuốn Kháng chiến chống xâm lược Nguyên - Mông thế kỷ 13 (cùng viết với Phạm Thị Tâm) xuất bản năm 1968.

Nhà phê bình văn học Hoài Thanh viết bài cho một tờ báo lớn ở Hà Nội hết lời khen ngợi, coi cuốn sách là một công trình sử học nghiêm túc, có nhiều khám phá mới, đồng thời, cuốn hút bạn đọc hơn cả một bộ tiểu thuyết!

Từ Paris GS Hoàng Xuân Hãn cũng chỉ ra một số điều mới do cuốn sách mang lại.

Để viết cuốn sách đó, Hà Văn Tấn đã phải tham khảo ngót trăm cuốn sách khác in bằng đủ các thứ chữ Quốc ngữ, Nôm, Hán, Nga, Anh, Pháp, Đức, Nhật, Ba Lan... Kể cả bộ Sử biên niên viết bằng chữ Ba Tư (Persian) của nhà sử học nổi tiếng thế kỷ 13 Fazl Allah Rasid ud-Din ở vùng Teheran, Hà Văn Tấn cũng không bỏ qua.

Chính nhờ nhà sử học Ba Tư ấy mà ngày nay ta được biết, ngay từ hồi thế kỷ 13, chiến thắng của Kiefce-Kue (Giao Chỉ quốc) đánh bại Tugan (Thoát Hoan) buộc y phải tháo chạy về Lukin-fu (Long Hưng phủ ở Giang Tây, Trung Quốc) đã vang vọng đến miền Tây á xa xôi, khiến nhà sử học thành Hamadhan gần Teheran ấy phải ghi lại trong bộ Sử biên niên của ông bằng thứ chữ Ba Tư cổ, không dễ đọc, dễ hiểu chút nào đối với một người Việt Nam đương đại!

Không lâu trước khi qua đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc cuốn sách đó và hỏi thăm về hai tác giả Hà Văn Tấn, Phạm Thị Tâm.

Mới đây, tháng 5/2006, nhân kỷ niệm 100 năm Đại học Đông Dương, công trình khoa học nổi tiếng nói trên của Hà Văn Tấn và Phạm Thị Tâm đã được Đại học Quốc gia Hà Nội tặng giải thưởng.

Giáo sư sử học Phan Đại Doãn kể: “Vào thời kỳ sơ tán ở Vạn Thọ, Đại Từ, Thái Nguyên, khi anh Tấn chưa đầy 30 tuổi, tôi thường hay trò chuyện với cụ Trần Lê Hữu, một nhà Hán học vui tính. Có lần tôi hỏi: Bác xem tướng bọn trẻ chúng cháu, thấy thế nào ạ? Cụ Trần Lê Hữu trả lời: Mình cũng đã từng đèn sách, lều chõng đi thi, nhưng vẫn phải phục chữ nghĩa Hán học của Tấn đấy!”

Am tường chữ Phạn và Phật học

Một công trình khác của Hà Văn Tấn cũng khiến giới sử học xôn xao, đó là bài viết Từ một cột kinh Phật năm 973 vừa phát hiện ở Hoa Lư in trên tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 76 (1965) khi tác giả mới 28 tuổi. Cột kinh này là một trụ đá tám mặt, trên các mặt đều có khắc chữ Hán. Vì đá mềm, bị vùi lâu dưới đất nên một số chỗ trên trụ hỏng nát, không nhận rõ mặt chữ. Hà Văn Tấn đã viết lại thật rõ các chữ Hán để đưa in, rồi dịch ra âm Hán - Việt. Và điều khó hơn nhiều là phục nguyên Phạn văn, bởi lẽ bản kinh chữ Hán khắc ở Hoa Lư kia chỉ là dùng chữ Hán để phiên tiếng Phạn mà thôi. Rồi phân tích ý nghĩa.

GS Hà Văn Tấn năm 2000, được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh

Chúng ta đều biết tiếng Phạn (Sanscrit/Pali) là thứ cổ ngữ ấn Độ, ngày nay, ngay cả người ấn cũng chẳng mấy ai đọc được! Chỉ có những nhà bác học mới mong đọc hiểu. Sở dĩ Hà Văn Tấn đọc nổi là do anh đã âm thầm tự học tiếng Phạn qua tiếng Đức từ năm 20 tuổi!

Về sự thông thạo chữ Hán, tiếng Phạn và am hiểu Phật học của giáo sư Hà Văn Tấn, ông Nguyễn Vinh Phúc kể một mẩu chuyện lý thú. Hay thăm thú các chùa, đền ở vùng Hà Nội, khi gặp phải những chữ Hán khó trên hoành phi, câu đối, bác Phúc thường tìm đến hỏi “ông bạn trẻ thông thái” và đều được giải đáp ngay, rành rọt, chính xác.

- Trên một số đôi câu đối, tôi thường thấy - ông Phúc nói - có những chữ lục thức hay bát thức, vậy chúng khác nhau ra sao?

Lục thức, theo giáo lý Tiểu thừa, gồm: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý - Hà Văn Tấn trả lời. - Giáo lý Đại thừa thêm vào hai thức nữa: mạt-na và a-lại-da. Mạt-na tiếng Phạn là mâna nghĩa là tự nhận thức một cách trực giác, tương tự như aperception (tổng giác) trong triết học phương Tây. Còn a-lại-da trong tiếng Phạn là alaya nghĩa là gồm chứa; có thể coi đó là một dạng hiện tượng luận trong triết lý Phật giáo.

- Trong Chợ Trời ở phố Thịnh Yên có ngôi chùa Vua chỉ thờ riêng tượng Đế Thích mà thôi, tại sao?

- Đây là một bằng chứng của tín ngưỡng Đế Thích. Đế Thích trong tiếng Phạn là Indra. Indra (Đế Thích) và Brahma (Phạm Vương/ Phạm Thiên) vốn là hai vị thần ấn Độ thời Veda được hòa nhập vào thần điện Phật giáo. Ở các chùa Việt Nam thấy có tượng hai vị thần này, đặt hai bên tượng Cửu Long. Đế Thích là chúa tể tầng trời Điêu Lợi Thiên ở cõi Dục giới. Còn Phạm Thiên là chúa tể tầng trời Đại Phạm Thiên ở cõi Sắc giới. Vì là chúa tể nên cũng coi như vua, do vậy hai vị được tạc tượng theo dạng vua: áo cổn, mũ miện... Tuy nhiên, ở Việt Nam, cũng như một vài nước theo Đại thừa, còn có tục thờ riêng Đế Thích. Hà Nội có chùa Vua, Hưng Yên có quán Đế Thích ở La Chàng (Ân Thi) và đền Đế Thích ở Liêu Hạ (Mỹ Văn)... Ở Nhật Bản cũng có tín ngưỡng thờ riêng Đế Thích gọi là Taishakuten...


Nhờ được “trời ban” cho trí nhớ tuyệt vời, Hà Văn Tấn dễ dàng đọc hiểu 7 ngoại ngữ.

Tìm nguồn gốc bản địa của văn hóa Đông Sơn

Rất thành công trong sử học, nhưng chính những công trình khảo cổ học mới mang lại cho Hà Văn Tấn giải thưởng Hồ Chí Minh. Cuốn Theo dấu các văn hoá cổ lý giải nhiều vấn đề về văn hoá Tiền Đông Sơn như văn hoá Gò Mun, văn hoá Đồng Đậu, văn hoá Phùng Nguyên, chứng minh tính bản địa của các văn hoá ấy.

Đây là một công việc vô cùng khó, bởi vì, trước Hà Văn Tấn, một số học giả nước ngoài có tiếng tăm đã ra sức biện luận rằng nền văn hoá Đông Sơn rực rỡ kia không hề có… nguồn gốc bản địa Việt Nam! O. Janse tìm nguồn gốc văn hoá Đông Sơn ở một tộc người trên thảo nguyên Âu - Á

Còn, theo B. Karlgren, thì văn hoá Đông Sơn bắt nguồn từ văn hoá sông Hoài bên Trung Quốc. Rồi R. Heine-Geldern lại cho rằng kẻ sáng tạo ra văn hoá Đông Sơn là người Tokhara đã đến Việt Nam sau một cuộc thiên di dài dằng dặc từ bờ... Hắc Hải!

Hà Văn Tấn không tán thành những lập luận ấy. Nhưng muốn bác bỏ, thật không đơn giản chút nào! Cần tích luỹ cho được hàng vạn chứng cứ vững chắc qua hàng chục năm ròng rã đi điền dã, lại còn phải biết vận dụng thành thạo những phương pháp nghiên cứu mới nhất để rồi biện luận chặt chẽ, không ai bắt bẻ được.

Trong hàng loạt bài báo khoa học của mình, Hà Văn Tấn đã chứng minh một cách đầy thuyết phục rằng văn hoá Đông Sơn là sự tiếp tục phát triển lên từ các văn hoá Tiền Đông Sơn mà các nhà khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện. Trước văn hoá Đông Sơn là văn hoá Gò Mun. Trước văn hoá Gò Mun là văn hoá Đồng Đậu. Trước văn hoá Đồng Đậu là văn hoá Phùng Nguyên.

Ta có thể tìm đọc các bài viết của Hà Văn Tấn như: Văn hoá Phùng Nguyên và nguồn gốc dân tộc Việt, Người Phùng Nguyên và đối xứng, Từ gốm Phùng Nguyên đến trống đồng...

Qua những bài viết ấy, với vô số hình vẽ tỉ mỉ, viện trưởng Viện Khảo cổ học Hà Văn Tấn đã chứng minh rằng, xét về mặt từ vựng và ngữ pháp thì ngôn ngữ đồ gốm Phùng Nguyên tương đương với ngôn ngữ đồ đồng Đông Sơn. Ngôn ngữ đó chính là các hoạ cảnh và hoạ tiết trang trí.

Gắn bó với nghề dạy học suốt nửa thế kỷ, ông được Nhà nước ta phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.

Đáng tiếc, những năm gần đây, ông bị chảy máu não, mặc dù hiện nay trí nhớ đã hồi phục, nhưng sức làm việc cũng như đóng góp cho khoa học bị hạn chế rất nhiều.

Hàm Châu