Cập nhật: 10/06/2020
Lượt xem: 2402
Họa sỹ Ngô Quỳnh Giao: Đau đáu một trái tim
Người ta làm họa sỹ là làm bạn với tấm toan trắng muốt mĩ miều, làm bạn với những sơn dầu, bút lông… Chẳng ai như ông, làm họa sỹ chi mà lúc nào trong tay cũng là cưa gỗ rồi đục đẽo, rồi làm bạn với thứ màu vẽ là “sơn ta” - loại sơn mà dân trong nghề ai cũng hãi vì độ độc hại cũng như rất dễ gây dị ứng, lở loét da.
Một họa sỹ mà hơn 50 năm cần mẫn với ti tỉ thứ công việc không tên ngoài hội họa, chưa một lần mở gallery tranh. Một con người mà mỗi ngày, mỗi giây, mỗi phút trôi qua, tưởng chừng mỗi nhịp tim đập đến khó nhọc của ông đều đau đáu cho một tình yêu thiêng liêng với nghệ thuật rối. Vâng, đó chính là họa sỹ tạo hình rối, cựu Giám đốc Nhà hát Múa rối Trung ương Ngô Quỳnh Giao.
Một chiều mùa thu, mưa lây rây, không gian trở nên se sắt và bâng khuâng. Hẹn dăm lần bảy lượt, mãi rồi cũng có cơ hội được ngồi với họa sỹ Quỳnh Giao. Ở độ tuổi thất thấp cổ lai hy, ông vẫn miệt mài với những dự định, những buổi diễn. Đối với họa sỹ Quỳnh Giao, khoảng thời gian ngắt quãng dùng để “dưỡng già” này không thể bị bỏ phí. Sự nghiệp có thể đã khép lại, nhưng
hoài bão thì vẫn luôn đong đầy. Họa sỹ Quỳnh Giao bật mí cho tôi dự án ông đang đảm đương, đó chính là gây dựng một đoàn múa rối hoàn toàn mới. Một tay ông ôm đồm ti tỉ thứ công việc không tên, từ nhỏ nhặt nhất là tuyển chọn diễn viên cho đến những việc “nhơn nhớn” là tạo hình rối, dựng sân khấu, dựng vở diễn để có thể tạo nên một đoàn múa rối nước thật chuyên nghiệp. Đôi lúc, việc lo liệu “trăm dâu đổ đầu tằm” khiến Quỳnh Giao thấy mình chẳng khác nào Don Quijote đơn độc chống lại cối xay gió. Một kẻ thù tạo nên từ muôn vàn nỗi lo lắng vô hình và rất khó chỉ tên ấy lắm khi khiến ông mệt mỏi đến kiệt quệ. Nhiều người hỏi ông: “Già rồi, đến tuổi nghỉ ngơi còn cố ôm đồm công việc làm gì?”. Ông đáp đầy dứt khoát: “Chừng nào đôi tay còn làm việc được, đôi mắt còn nhìn rõ được, đầu óc còn tràn đầy ý tưởng thì không đời nào tôi từ bỏ rối…”.
Mỗi lần nói chuyện với ông mang lại cho tôi một dư vị khác nhau. Trong lòng tôi, ông luôn là một người nghệ sỹ chân chính, một giá trị kiên định khó có thể thay đổi trong thời buổi vàng thau lẫn lộn này. Một người sống vì “con rối” nhiều hơn là sống cho bản thân. Tôi trân trọng ông giống như trân trọng một hòn ngọc quý. Sở dĩ tôi thích nói chuyện với ông, vì giữa dòng đời quá xô bồ, bon chen này tựa hồ ông là một ốc đảo hết sức trong lành, nơi mà những toan tính vật chất không bao giờ có cơ hội được chen chân vào khiến người đối diện có cảm giác được bình tâm, an yên…
Họa sỹ Quỳnh Giao sinh năm 1942, ông cống hiến hơn 55 năm trong nghề rối. Hơn 4.000 con rối từ hai bàn tay ông đã được hạ sinh ra đời chỉ bằng phương pháp thủ công, không loại máy móc nào hỗ trợ. Máu “họa sỹ” đã chảy trong huyết quản của ông từ tấm bé. Cha ông, họa sỹ Ngô Mạnh Quỳnh chính là người đã gây dựng nên gánh múa rối đầu tiên ở Hà Nội, sử dụng phương pháp biểu diễn rất độc đáo có tên gọi là: “Điện rối”. Nghe có vẻ lạ lẫm, nhưng thực chất đó chính là phương pháp vừa biểu diễn rối, vừa bật băng ghi âm đối thoại thu sẵn, bắt chước cách thức lồng tiếng trong điện ảnh. Hồi đó, máy ghi âm còn chạy bằng cách quay dây kim loại, những ngày tháng giúp bố quay dây thép rối tung rối mù, những ngày ôm con rối đi ngủ vạ vật, những buổi chiều mặt lem nhem giúp bố tô vẽ gương mặt rối, Quỳnh Giao đã mê mẩn rối lúc nào không hay. Đối với ông, rối không đơn giản là vật vô tri vô giác, mà còn là những người bạn.
Ông tâm sự với tôi, ánh mắt như rọi về sâu thẳm quá khứ, giọng nói rất đỗi thành kính: “Chính vì tôi ăn, ngủ cùng rối, mà đối với tôi, chúng là những vật thể có linh hồn. Chúng cũng biết buồn, biết oán trách, biết thất vọng. Tôi luôn tâm niệm, người họa sỹ tạo hình rối không đơn giản là những người thợ đem đến diện mạo, mà còn thổi vào rối cả tính cách, cả linh hồn. Không biết có phải tôi bị ám ảnh bởi những con rối không, mà chúng đi sâu cả vào trong giấc mơ của tôi. Có lần, tôi bị ốm đúng dịp đang phải hoàn thành một bộ rối cho vở Anđecxen, phải nghỉ. Hôm đó, tôi mơ thấy nàng tiên cá đến khóc với tôi, giục giã tôi mau ban linh hồn cho nàng… Vậy là giữa đêm, tôi giật thót, người đẫm mồ hôi. Cố gượng dậy, gạt bỏ mọi mệt mỏi, tôi lại đục đẽo, tô vẽ cho đến khi nào hoàn thành thì thôi. Cố gắng đến độ kiệt sức như thế. Bù lại, trong mỗi giấc mơ, tôi lại bắt gặp những nụ cười của mỗi đứa con tôi tạo ra. Như thế đối với tôi đã là món quà lớn nhất rồi…”.
Nếu là người khác nói những câu này, hẳn trong tôi sẽ lóe lên nhiều nghi ngờ, cho rằng sáo. Nhưng là họa sỹ Quỳnh Giao thổ lộ, tôi tin ngay. Tôi đã rất nhiều lần có cơ hội được đến thăm “phòng làm việc” của ông trong Nhà hát Múa rối Trung ương. Trái với tưởng tượng của tôi về một căn phòng đầy chất nghệ, hay ít hơn cũng hiện đại, chỉn chu hơn, phòng chế tác của một cựu giám đốc cơ mà. Hóa ra, không phải vậy, một căn phòng nằm tụt hẳn so với sân nhà hát, nép mình tách biệt ở một góc khuất của khuôn viên. Bức tường vì ngấm ẩm mà lở bong nhiều mảng, rêu dày từng lớp trơn trượt đến nỗi không cẩn thận có thể ngã nhào, mùi ẩm mốc lẫn mùi sơn xông lên rất khó chịu.
Trong căn phòng chỉ độ 20m2, vị giám đốc về hưu này đã ngồi lì hơn 50 năm để tỉ mẩn chế tác rối mà không một lời kêu ca. Tôi hỏi: “Tại sao chú không sử dụng kinh phí để sửa sang phòng làm việc cho tiện nghi hơn một chút, như thế này đâu có đủ điều kiện để làm việc đâu chú!”. Họa sỹ Quỳnh Giao chỉ nhìn tôi cười thật hiền: “Là tôi không đề xuất đấy chứ. Mình làm nghệ thuật thì dẫu ở môi trường nào mình chả làm được. Kinh phí để dành trang hoàng cho nhà hát, những nơi nhiều khách tham quan và tăng cường đời sống cho anh em thì tốt hơn. Chứ nơi này, có ai tham quan đâu, với lại, tách biệt như thế lại càng yên tĩnh để tôi sáng tạo”.
Nhìn nền nhà bị dột, lênh láng nước mưa, tôi hỏi: “Nhưng ẩm thấp như thế này thì hỏng hết rối mất ạ”. Ông cười xòa: “Bây giờ còn đỡ đấy, tôi nhớ có những khi mưa nhiều, nước ngập tới ngang đầu gối, tôi phải lội nước mà làm việc cho kịp tiến độ yêu cầu vở diễn. Có lần đang mải mê tô vẽ, thấy buồn buồn, lạnh lạnh dưới chân, tôi sờ xuống, hóa ra là con rắn theo nước mà tràn vào chỉ chực cuốn lên chân tôi, nghĩ mà gai hết cả người. Những hôm mưa dột bất chợt, tôi vội bế rối lên vì sợ ẩm nhòe màu sơn chưa khô rồi cứ thế vác ra ngoài…”.
Sau 6 tháng trời làm việc lao tâm khổ tứ cho kịp vở Anđecxen, họa sĩ Quỳnh Giao lên một cơn đau tim nguy kịch. Ông đã đứng giữa ranh giới sự sống và cái chết, chỉ chậm chút nữa là không thể cứu vãn. Bác sĩ nói bệnh ông đến từ nhiều nguyên nhân: do lao lực, rồi do khí lạnh chạy lên tim phổi... Sau cuộc phẫu thuật, ông được cấy một thiết bị thẳng vào tim nhằm hỗ trợ sự co bóp. Sau này, nhân viên nhà hát vẫn thân mật trêu ông là: “Ông tim sắt”, “Người giời”.
Đúng là “người giời” thật, chứ người thường hiếm có vị giám đốc nào lại dễ dãi, đến độ xuề xòa với cấp dưới như Quỳnh Giao. Có đận Nhà hát Múa rối lâm vào giai đoạn khó khăn, chả có vị giám đốc nào lại “mắt nhắm mắt mở” che giấu cho diễn viên đoàn hát ở nhà bán bánh trung thu, sửa xe đạp cùng gia đình để tăng thêm thu nhập, đến gần giờ diễn mới cuống cuồng gọi diễn viên đến diễn. May mà vẫn kịp. Hú hồn!
Càng tìm hiểu nhiều về người họa sỹ già có mái tóc xoăn gợn sóng hao hao giống huyền thoại piano người Van Cliburn này thì tôi lại càng trọng. Trọng về nhiệt huyết, về nhân cách, còn trọng cả chất hào hoa, lãng tử nơi ông. Trong mắt ông, hình như chẳng có gì là xấu, vạn vật đều có nét đẹp theo một góc độ riêng. Được biết ông đã có hơn chục năm gắn bó với đất nước Tiệp Khắc, tôi hỏi: “Chú ấn tượng gì nhất về phụ nữ Tiệp?”. Trái với câu trả lời tôi đoán là miêu tả dung nhan tuyệt đẹp của những cô gái Tiệp, họa sĩ Quỳnh Giao hóm hỉnh đáp: “Phụ nữ Tiệp rất văn hóa, tôi vẫn còn nhớ, hồi còn du học ở Tiệp, có một cô gái gõ cửa kí túc xá, để hỏi mượn cuộn giấy vệ sinh, tưởng rằng rất gấp gáp rồi. Đến lúc tôi đưa cuộn giấy của mình, thì cô gái ấy tần ngần nhìn hồi lâu rồi trả lại tôi.
Tôi đoán cô ấy tiết kiệm dùm mình nên sốt sắng: “Cô cứ dùng đi, tôi còn nhiều giấy mà!”. Hóa ra câu trả lời của cô khiến tôi ngã ngửa: “Không, tôi không quen dùng loại giấy này, tôi quen dùng loại giấy có viền hoa hai bên cơ. Rất cám ơn anh, tôi sẽ mượn người khác”. Thế đấy, sự tinh tế nhiều khi thể hiện ở những góc độ khó ngờ! Họa sỹ Quỳnh Giao cười hóm hỉnh, nụ cười của ông làm sáng bừng cả một góc sân đang lất phất mưa… Xa xa là phía thủy đình, nơi trực tiếp biểu diễn những vở rối, vài học trò của ông loay hoay kiểm tra sân khấu, sửa sang những con rối nước đang nằm ngổn ngang.
Quỳnh Giao bắt tay tôi rất chặt, ông bước đi vội vã, gấp gáp. Dường như con người vị họa sĩ này luôn gắn với sự vội vã. Một bạn diễn viên trẻ rỉ tai tôi: “Bác Giao đi mua đồ ăn trưa cho cả đoàn đấy, thi thoảng bác lại chiêu đãi mọi người hết sức linh đình, mà toàn bỏ tiền túi ra thôi chị ạ. Bác luôn động viên chúng em làm việc với cái tâm của một người nghệ sỹ!”. Cảm động, tôi gọi với theo: “Bệnh tim của chú đỡ hơn chưa?”. Ông ngoái lại vẫy tay với tôi: “Tôi quên nó đi lâu rồi”.
Trong màn mưa, cái dáng hao gầy, tất tả ấy khuất dần, tôi tự hỏi: “Bao giờ ông mới thôi vất vả để an hưởng những ngày bình yên?”. Nhưng tôi nhớ lại ánh mắt háo hức, nụ cười mãn nguyện khi kể về nghề rối. Và rồi tôi chợt nhận ra: “Có lẽ đối với ông, được vất vả vì đam mê, đó mới chính là bình yên!”
Huyền Vũ