Cập nhật: 10/06/2020
Lượt xem: 1997
30 tuổi, Hà Văn Tấn cùng Phạm Thị Tâm xuất bản cuốn Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ 13, được các học giả Hoàng Xuân Hãn, Hoài Thanh khen ngợi và Nguyễn Vinh Phúc coi là "một kiệt tác sử học". Đó là cuốn sách mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trước khi Người qua đời.
Ngôi sao học thuật đang lên
Năm 1958, vừa rời trường đại học bước vào nghề làm báo, tôi may mắn được nhận một căn gác hẹp tại ngôi nhà số 28 phố Lê Thái Tổ, ngay bên bờ Hồ Gươm, trong cùng một tòa nhà với bác Phùng Bảo Thạch, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, và bác Chu Thiên, tác giả cuốn tiểu thuyết lịch sử Bóng nước Hồ Gươm, cán bộ tu thư trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Còn nhớ dạo đó, tôi thường chong đèn rất khuya ngồi đọc bộ sách nhiều tập Trung Quốc tư tưởng thông sử, nhất là các tập Hiển học Khổng - Mặc, Tư tưởng Lão - Trang, học thuyết Tử Tư - Mạnh Tử, v.v. của các tác giả Hầu Ngoại Lư, Triệu Kỷ Bân, Đỗ Quốc Tường, in năm 1957 ở Bắc Kinh, mặc dù bộ sách "xa vời" ấy chẳng liên quan gì đến công việc sự vụ "sát sườn" ở một tờ báo hằng ngày như tờ Hà Nội mới, nơi tôi làm phóng viên.
- Hàm Châu quê ở đâu? - Một hôm bác Chu Thiên chợt hỏi tôi.
- Cháu là dân Nam Đàn "tương cà dưa nhút", bác ơi!
- Thảo nào cậu có máu "đồ Nghệ"! 1 giờ đêm tỉnh giấc, nhìn lên căn gác cậu ở, mình vẫn thấy sáng đèn... Chắc cậu có quen Hà Văn Tấn? Chà, đất Nghệ Tĩnh quá cằn! Người Nghệ Tĩnh quá chăm! Tấn trông cũng gầy nhom như cậu!... "Thập tải độc thư bần đáo cốt!" (Đọc sách mười năm nghèo kiết xác! - Thơ Nguyễn Trãi). Chưa cộng tác với Hàm Châu, nên mình chưa biết vốn liếng Hán học của cậu ra sao. Chứ Hà Văn Tấn thì chữ Hán cừ lắm! Cậu ta là người đầu tiên báo cáo về chuyên đề Phương thức sản xuất châu Á trước Khoa Sử trường mình đấy! Rồi công bố bài Trở lại vấn đề tô-tem của người Việt nguyên thủy, rồi hiệu đính, chú thích bản dịch Dư địa chí...
Thái độ mến phục của một nhà văn già, am tường Hán ngữ khiến tôi, từ 50 năm trước, đã tò mò muốn tìm hiểu về "ngôi sao học thuật đang lên", như lời bác Chu Thiên nhận xét.
Tài năng xuất chúng lộ rõ trong công trình đầu tay
Năm 1960, khi cuốn Dư địa chí của Nguyễn Trãi (1380-1442) vừa được Nhà xuất bản Sử học in xong, bày bán ở hiệu sách Tràng Tiền, tôi liền mua ngay. Là một cây bút trẻ chuyên viết về Hà Nội, tôi đọc đi đọc lại cuốn sách nhiều lần, đặc biệt là mục nói về đất Thượng kinh. Qua sách của Nguyễn Trãi, tôi mới biết, ở kinh đô Thăng Long thế kỷ 15, đã có phường Yên Thái làm giấy, phường Thụy Chương và phường Nghi Tàm dệt vải khổ nhỏ và lụa, phường Hàng Đào nhuộm điều, phường Thịnh Quang nhiều long nhãn, Tây Hồ lắm cá to...
Dư địa chí được cụ cử nhân Hán học Nguyễn Duy Tiếp dịch từ nguyên văn chữ Hán sang chữ Quốc ngữ. Hẳn là GS Đào Duy Anh phải tin cậy lắm, mới dám giao cho Hà Văn Tấn, lúc ấy mới ngoài 20 tuổi, hiệu đính bản dịch của một vị túc nho và chú thích, viết lời giới thiệu.
Gọi là "chú thích" nhưng dài tới 115 trang, gấp 3 lần "chính văn" (chỉ vẻn vẹn 38 trang). Cần phải dài như thế bởi vì, với lời "chú thích" ấy, phải định vị cho được các tên đất có trong sách qua các thời kỳ lịch sử xa xăm đến tận ngày nay. Và, do vậy, cần phải đọc hầu hết các ghi chép về địa lý Việt Nam qua các đời.
Về sau, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc thử lập một bản "thống kê sơ bộ" thì thấy: Để tìm tài liệu cho phần "chú thích", Hà Văn Tấn phải đọc 30 bộ sách cổ Trung Quốc, 16 bộ sách cổ Việt Nam, trong số đó, chỉ mới có 1 bộ được dịch ra chữ Quốc ngữ, số còn lại đều phải đọc trong nguyên văn chữ Hán, như: Thủy kinh chú, Tiền Hán thư, Hậu Hán thư, Thục chí, Nam Thục chí... của các tác giả Trung Quốc; cũng như Toàn thư, Cương mục, An Nam chí lược... của các tác giả Việt Nam.
Trong bài Hà Văn Tấn như tôi biết, ông Nguyễn Vinh Phúc viết:
"Như vậy cái "phông" Hán học của tác giả dày dặn biết chừng nào! Quả như Corneille đã nói: Giá trị không đợi tuổi tác!"
Cũng ở phần "chú thích" ấy, Hà Văn Tấn còn chỉ ra một cách chính xác những chỗ sai lầm trong bản Dư địa chí hiện có, do người đời sau thêm thắt vào.
GS Phan Huy Lê cho biết: Dạo ấy, trong một buổi họp của Bộ môn Lịch sử cổ - trung đại Việt Nam, GS Đào Duy Anh đã nhận xét về công trình của Hà Văn Tấn: "Rất công phu, nghiêm túc, tôi rất hài lòng và tin cậy ở tác giả." GS Phan Huy Lê viết tiếp:
"Tài năng và phong cách khoa học của anh (tức Hà Văn Tấn) đã được bộc lộ ngay trong công trình đầu tay này. Anh rất coi trọng tư liệu, dày công tìm tòi, phát hiện tư liệu mới, giám định, xác minh từng chi tiết trước khi sử dụng."
Một kiệt tác sử học
Nhiều năm sau đó, một công trình khác của Hà Văn Tấn (viết chung với Phạm Thị Tâm) lại gây xôn xao dư luận, khiến tôi phải tìm đọc. Đó là cuốn Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ 13 xuất bản năm 1968. Nhà nghiên cứu văn học Hoài Thanh đã viết bài hết sức khen ngợi, coi cuốn sách là một công trình sử học nghiêm túc, nhưng lại cuốn hút người đọc như một cuốn tiểu thuyết hay! Riêng tôi, hiếm khi được đọc một cuốn sử nào hấp dẫn đến thế! Chẳng phải "ngoa ngôn", tôi đã đọc nó không ít hơn... năm lần!
Để viết cuốn sách ấy, anh Tấn đã phải tham khảo ngót trăm cuốn sách khác, bằng đủ các thứ tiếng.
Bộ Sử biên niên viết bằng chữ Ba Tư của nhà sử học thế kỷ 13 Fazl Allah Rasid ud-Din ở vùng Iran hiện nay, anh cũng không bỏ sót. Chính nhờ anh mà ngày nay chúng ta được biết: Ngay từ thế kỷ 13, chiến thắng của Kiefce-Kue (Giao Chỉ quốc) đánh bại Tugan (Thoát Hoan) đã vang vọng tới tận miền Tây Á xa xôi, khiến nhà sử học thành Hamadhan (gần Teheran) không thể không ghi lại một cách thán phục trong bộ Sử biên niên của ông.
Ta hãy đọc một đoạn ngắn trong bộ Sử biên niên:
"Tugan đem quân vào nước đó (tức Giao Chỉ quốc) chiếm lấy các thành thị ven biển và thống trị ở đấy một tuần lễ. Nhưng bỗng nhiên từ biển, từ rừng, từ núi xuất hiện những đội quân nước đó đánh tan đạo quân của Tugan đang lo cướp bóc. Tugan trốn thoát và lại trở về đóng ở Lukin-fu".
Như trên đã nói, Tugan đọc theo âm Hán-Việt là Thoát Hoan; còn Lukin-fu là Long Hưng phủ (thuộc tỉnh Giang Tây, Trung Quốc ngày nay).
GS Hoàng Xuân Hãn khen ngợi khám phá của Hà Văn Tấn về nguồn sử liệu Ba Tư, A Rập mà trước anh chưa ai đọc nổi.
Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc coi cuốn sách của Hà Văn Tấn và Phạm Thị Tâm là "Một kiệt tác sử học".
Cuốn sử được Bác đọc trước lúc đi xa
Tất nhiên, trước hết, Hà Văn Tấn phải tham khảo rất nhiều các sử liệu của nước ta mà anh có thể tìm kiếm được về cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, như bộ Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên, hay bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Quốc Sử quán triều Nguyễn; rồi đọc kỹ các bia ký, như bia công chúa Phượng Dung, vợ Trần Quang Khải, hay bài minh khắc trên quả chuông ở Bạch Hạc ghi lại cuộc chiến đấu của Trần Nhật Duật.
Ngay cả cuốn An Nam chí lược của Lê Trắc cũng được Hà Văn Tấn để mắt tới. Ai cũng biết Lê Trắc là môn khách của Chương Hiến hầu Trần Kiện đã cùng chủ đầu hàng quân Nguyên năm 1285. Và cuốn sách kia được viết đầu thế kỷ 14, trên lập trường phản động, luôn ca ngợi quân giặc. Tuy nhiên, sách có chép những thư từ qua lại giữa vua Trần và vua Nguyên, thư của các sứ thần, quan lại. Đó là những tư liệu cần thiết để nghiên cứu quan hệ ngoại giao Việt - Nguyên trong giai đoạn ấy. Và, đôi khi, Lê Trắc cũng không che giấu nổi những thất bại nhục nhã của lũ cướp nước và bán nước.
Cũng với thái độ chọn lọc và phê phán, Hà Văn Tấn đọc rất nhiều bộ Nguyên sử, nhất là phần Liệt truyện, tập trung ở An Nam truyện và Chiêm Thành truyện; rồi đọc các bia ký Trung Quốc đời Nguyên có liên quan đến các viên tướng sang đánh Đại Việt, cũng như các tập thơ của các sứ thần nhà Nguyên sang Đại Việt, như Trần Phu đến Thăng Long năm 1292, nói lên nỗi lo lắng, kinh hoàng qua bài thơ Sứ hoàn cảm sự (Cảm nghĩ sau khi đi sứ trở về):
Kim qua ảnh lý đan tâm khổ
Đồng cổ thanh trung bạch phát sinh!
Dĩ hạnh quy lai thân kiện tại
Mộng hồi do giác chướng hồn kinh!
(Trong bóng dáo mác, quặn lòng đau khổ
Nghe tiếng trống đồng, bạc cả mái tóc!
May mà trở về, thân mình mạnh khỏe
Nằm mê chuyện cũ, hồn vẫn còn kinh!)
Như nhiều người đã biết, cuốn Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ 13 được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc chẳng bao lâu trước khi Người qua đời. Người gửi lời thăm hỏi hai tác giả Hà Văn Tấn và Phạm Thị Tâm.
Kỳ cuối: "Theo dấu các văn hóa cổ" và Giải thưởng Hồ Chí Minh
(Dân trí) - Hà Văn Tấn không có được cái may mắn đi du học nước ngoài. Ông "bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng" với đồng bào, đồng chí trong những ngày "gừng cay muối mặn". Ấy thế mà nhiều công trình của ông được công bố ở nhiều nơi trên thế giới…
Bức hoành phi mang "Ngự bút" Khang Hy
Những năm 80 thế kỷ 20, tôi làm Tổng Biên tập tạp chí Tổ Quốc, một tờ tạp chí của giới trí thức, do GS Nguyễn Xiển làm Chủ tịch Hội đồng Biên tập, GS Hoàng Minh Giám làm Phó Chủ tịch. Ba tháng một kỳ họp Hội đồng Biên tập, gồm các thành viên: Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Lân, Nguyễn Khắc Viện, Phan Huy Lê, Phan Đình Diệu, Đào Văn Tiến, Quang Đạm và Trần Hữu Nghiệp.
Tạp chí cần mời những cây bút có uy tín viết bài. Do vậy, tôi thường lui tới số nhà 20 Phan Huy Chú, gặp GS Hà Văn Tấn. Anh Tấn và cả gia đình sống trong một căn gác 20 m2. Trong phòng chẳng có thứ gì đáng giá ngoài... sách! Quanh chiếc bàn trúc Cao Bằng bé xíu, bên ấm chè Thái Nguyên chát ngọt, anh hay cùng tôi "nhàn đàm" về "ông đồ Nghệ", về quê hương... "cá gỗ"! Nhưng chưa bao giờ tôi nghe anh hé lộ một lời nào về dòng họ Hà nhà anh.
Đầu năm 2000, tình cờ đọc tờ Sài Gòn Tiếp thị số Xuân, qua câu chuyện cụ Hà Tông Mục dạy con, tôi mới biết chút ít về họ Hà "khét tiếng" ở chốn "văn hiến địa" Nghi Xuân. Trong từ đường họ Hà, hiện vẫn còn giữ được tấm hoành phi sơn son, khắc ba chữ Hán thếp vàng "Nhược xung hiên", do tự tay Hoàng đế Khang Hy nước Đại Thanh đề tặng Tiến sĩ Hà Tông Mục, khi cụ làm Chánh sứ nước Đại Việt đến Bắc Kinh năm 1703. Ý nghĩa của ba chữ ấy là: khiêm nhường, thông minh, có ý chí cao cả. Lời lẽ khiêm cung mà cứng cỏi của quan Chánh sứ khiến Hoàng đế Khang Hy nể phục.
Cũng trong từ đường họ Hà, có treo đôi câu đối do quan Hiệp biện Đại học sĩ Phan Thanh Giản viết tặng:
Khai hoa sự nghiệp duy tiền bối,
Tuyệt thế văn chương tất đại gia.
Từ đường họ Hà cũng như phần mộ Tiến sĩ, Đông các Hà Tông Mục nay là di tích lịch sử - văn hóa của tỉnh Hà Tĩnh. Không ít người trong "đại gia" này, được khắc tên trên bia tiến sĩ. Bậc "tiền bối" của Tiến sĩ Hà Tông Mục là Tiến sĩ Hà Tông Trình, người từng làm Thượng thư Bộ Hình kiêm Tế tửu Quốc Tử Giám (tương tự Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội hiện nay). Chính cụ đã giúp Hoàng đế Lê Thánh Tông biên soạn Bộ Luật Hồng Đức. Người họ Hà kịp đỗ Phó bảng trong khoa thi Hán học cuối cùng năm Kỷ Mùi - 1919 là cụ Hà Văn Đại.
Hà Văn Tấn sinh ngày 16/8/1937 tại Nghi Xuân, Hà Tĩnh, cùng làng Tiên Điền, quê hương Nguyễn Du, không xa làng Uy Viễn, quê hương Nguyễn Công Trứ. Thời thơ ấu và niên thiếu, cậu Tấn sống trong nhà cụ Phó bảng Đại, được cụ Phó bảng ân cần dạy bảo, theo gia phong nghiêm cẩn bao đời.
Cuốn sách 850 trang và ngành khảo cổ học nước ta
Có nhiều công trình sử học xuất sắc, nhưng chính các công trình khảo cổ học, tập hợp trong cuốn Theo dấu các văn hóa cổ dày 850 trang, in năm 1997, mới mang lại cho GS Hà Văn Tấn Giải thưởng Hồ Chí Minh. Trước thập niên 60 thế kỷ 20, ở Việt Nam, khảo cổ học chưa trở thành một ngành độc lập. Hà Văn Tấn và Trần Quốc Vượng là hai người đi tiên phong xây dựng ngành này.
Khảo cổ học bao gồm hoạt động điền dã (điều tra, khai quật) và hoạt động nghiên cứu (tại phòng thí nghiệm), trong đó hoạt động điền dã là quan trọng nhất. Dấu chân "điền dã" của GS Hà Văn Tấn in khắp mọi miền đất nước. Ta hãy nghe PGS. TS Hán Văn Khẩn kể trong hồi ức về đợt khai quật ở Thành Dền năm 1983:
"Cũng như những lần trước, lần này tôi lại được ở cùng nhà, ngủ cùng giường, đắp cùng chăn với thầy Tấn. Nhờ cách "khéo co thì ấm", thầy trò đã qua được những đêm mưa phùn, gió rét thấu xương (...). Việc ăn uống thật hết sức đạm bạc. Gần như bữa nào cũng như bữa nào, chỉ có vài bát cơm nấu bằng thứ gạo để lâu ngày trong kho đến hôi mốc, chan với canh rau cần "toàn quốc" (chỉ có nước). Trưa, cơm với canh cần; tối, lại cơm với rau cần nấu canh! Ai cũng ớn canh cần. Nhưng muốn nuốt trôi cơm, vẫn phải có canh cần! (...) Tuy nhiên, cái "sướng" trong đợt này vẫn lớn hơn cái "khổ". Chúng tôi đào được nhiều vết tích lò nấu đồng, nhiều xỉ đồng, nhiều mảnh khuôn đúc bằng đá và đất nung...".
Hà Văn Tấn không có được cái may mắn đi du học nước ngoài. Ông "bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng" với đồng bào, đồng chí trong những ngày "gừng cay muối mặn". Ấy thế mà nhiều công trình của ông được công bố không chỉ tại Hà Nội, mà còn tại Paris, Rotterdam, New York, Hawaii, Tokyo, Hong Kong, Bangkok...
Tự học là chính, vậy mà ông đã hướng dẫn 20 luận án tiến sĩ trong nước. Và năm 2000, ông được Đại học Paris 7 mời sang chấm tiến sĩ. Nhiều trường đại học ở các nước phát triển nhất cũng mời ông làm giáo sư thỉnh giảng.
Chứng minh nguồn gốc bản địa của văn hóa Đông Sơn
Bằng hoạt động điền dã và nghiên cứu, GS Hà Văn Tấn cùng các đồng nghiệp trong nước đã phát hiện và đặt tên cho nhiều văn hóa khảo cổ học ở Việt Nam. Nhà nghiên cứu cần tham khảo rộng, sâu, để biết chắc, trước mình, người khác đã làm được những gì và đâu là "mảnh đất hoang còn lại" để cho mình "khai phá". Nghiên cứu là phát hiện cái mới, chứ đâu phải là ngồi "xào xáo lại" những gì người khác đã làm và đã thành công!
Nhờ nắm được các thứ tiếng Anh, Pháp, Nga, Đức, Nhật, chữ Nôm, chữ Hán cổ-trung đại và cả tiếng Hán hiện đại (Putonghua/Mandatin), chữ Ấn Độ cổ đại (Sanskrit và Pali), đồng thời vận dụng cả toán cao cấp và các phương pháp khảo cổ học tiên tiến, ông không bao giờ để cho mình rơi vào tình trạng "ếch ngồi đáy giếng", che lấp sự thiếu hiểu biết thấu đáo của mình bằng cái vỏ ngôn từ "to tát" hay "bay bướm"!
Một số học giả nước ngoài cố chứng minh rằng nền văn hóa Đông Sơn rực rỡ kia không hề có nguồn gốc bản địa, mà có nguồn gốc ở ngoài dải đất Việt Nam hiện tại! O. Janse tìm văn hóa Đông Sơn ở người Scythes trên thảo nguyên Âu - Á. Còn, theo B. Karlgren thì văn hóa Đông Sơn bắt nguồn từ văn hóa Sông Hoài bên Trung Quốc. R. Heine-Geldern lại cho rằng kẻ sáng tạo ra văn hóa Đông Sơn là người Tokhara đã đến Việt Nam sau một cuộc thiên di dài dằng dặc từ bờ Biển Đen!
Hà Văn Tấn không tán thành những "luận thuyết" kỳ quặc kia. Nhưng muốn bác bỏ, thật chẳng dễ dàng! Ông cần tích lũy cho được hàng vạn chứng cứ vững chắc, qua hàng chục năm trời ròng rã đi điền dã. Lại còn phải biết vận dụng thành thạo những phương pháp mới nhất trên thế giới. Rồi biện luận chính xác, chặt chẽ, không để lộ một sơ hở nào khiến các vị học giả đầy quyền uy kia và đám học trò của họ có thể "ra đòn" quật lại tả tơi! Diễn đàn học thuật lắm khi cũng là chốn "trường văn trận bút".
Trong hàng loạt bài báo khoa học của mình, Hà Văn Tấn đã chứng minh một cách đầy thuyết phục rằng văn hóa Đông Sơn là sự tiếp tục phát triển lên từ một chuỗi các văn hoá Tiền-Đông Sơn, mới được các nhà khảo cổ học Việt Nam khám phá. Trước văn hóa Đông Sơn là văn hoá Gò Mun. Trước văn hóa Gò Mun là văn hóa Đồng Đậu. Trước văn hóa Đồng Đậu là văn hóa Phùng Nguyên. Tôi tin rằng bạn đọc sẽ thích thú khi trực tiếp xem các công trình giàu tính khám phá của Hà Văn Tấn về văn hóa Phùng Nguyên, như: Người Phùng Nguyên và đối xứng (1969), Từ đồ gốm Phùng Nguyên đến trống đồng (1974), Văn hóa Phùng Nguyên và nguồn gốc dân tộc Việt (1975)...
Qua các bài báo khoa học ấy, với vô số hình vẽ chính xác, tỉ mỉ, Hà Văn Tấn đã chứng minh: Xét về mặt từ vựng và ngữ pháp, thì ngôn ngữ đồ gốm Phùng Nguyên tương đồng với ngôn ngữ đồ đồng Đông Sơn. Ngôn ngữ đó chính là các họa cảnh và họa tiết trang trí. "Từ vựng" ở đây có nghĩa là vốn liếng các họa tiết khác nhau. Còn "ngữ pháp" là quy tắc kết hợp các họa tiết ấy khi trang trí các dải, cột và diềm trên đồ gốm Phùng Nguyên hay trên mặt trống, tang trống đồng Đông Sơn.
Hà Văn Tấn nhấn mạnh:
"Những điểm tương đồng giữa nghệ thuật Đông Sơn và nghệ thuật Phùng Nguyên đã khẳng định truyền thống Phùng Nguyên trong văn hóa Đông Sơn. Văn hóa Đông Sơn bắt nguồn từ văn hóa Phùng Nguyên, trên quê hương chúng ta, chứ không phải từ những văn hóa xa xôi nào đó". Tuy vậy, là người cẩn trọng, ông không quên viết tiếp:
"Nhưng để cho sức thuyết phục của kết luận này mạnh mẽ hơn, còn nhiều việc phải làm. Chẳng hạn, phải tích luỹ nhiều hơn nữa tài liệu văn hóa gốm Phùng Nguyên, phải mở rộng nghiên cứu trên toàn bộ đồ đồng Đông Sơn, phải tìm dấu nối giữa Phùng Nguyên và Đông Sơn".
Rồi ông kết luận:
"Không nghi ngờ gì nữa, trống đồng là một sáng tạo tuyệt vời và độc đáo của chủ nhân văn hóa Đông Sơn. Trống đồng đánh dấu một giai đoạn nở rộ của văn minh Sông Hồng. Một bước nhảy vọt đã được thực hiện trong đời sống vật chất và tinh thần của tổ tiên người Việt. (...) Trống đồng ra đời là kết quả của một quá trình phát triển lâu dài của nhiều yếu tố vật chất và tinh thần đã cấu thành nền văn minh Sông Hồng."
Hàm Châu